Tạo đột phá phát triển vùng Ðông Nam Bộ

Sáng nay (17-3), tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước bắt đầu diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị tổng kết hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng, trong đó có Bình Phước. Đây cũng là cơ hội để Bình Phước giao lưu, giới thiệu về vùng đất và con người, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và học hỏi kinh nghiệm kết nối, thu hút đầu tư của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ.

Nhân dịp này, phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước có cuộc phỏng vấn Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh về những nội dung quan trọng từ hội nghị này.

* Trong điều kiện đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, bà đánh giá thế nào về quy mô, vai trò, ý nghĩa của hội nghị tổng kết hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đối với vùng và với tỉnh Bình Phước?

Hội nghị tổng kết hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành chưa lâu, có ý nghĩa rất to lớn đối với vùng Đông Nam Bộ, được coi là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước.

Hội nghị được tổ chức với quy mô khoảng 350 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp với các hoạt động bên lề như: Trưng bày về tiềm năng, thế mạnh, dự án kêu gọi đầu tư và các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Đoàn doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ khảo sát các khu công nghiệp tỉnh Bình Phước để tìm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Và hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và kết nối đầu tư của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

202303170729 tao dot pha phat trien vung dong nam bo 12822

Đại diện Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh ký kết biên bản ghi nhớ với Bình Phước về hợp tác xúc tiến đầu tư năm 2022 – Ảnh: Thắng Trân

Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng. Hội nghị còn là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

* Bà đánh giá thế nào về vai trò trụ đỡ và sự hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Phước thời gian qua?

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; có sức hút và sự lan tỏa to lớn đối với vùng Đông Nam Bộ. Với vai trò đầu tàu, TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng đã triển khai liên kết về cung – cầu hàng hóa, phát triển giao thông, du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Thành phố đã tích cực giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương trong vùng, giảm áp lực di dân trong độ tuổi lao động đến thành phố qua việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư, góp phần hình thành nhiều khu công nghiệp tại các tỉnh trong vùng.

Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký 19.739 tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, 71 cửa hàng tiện ích, Bách Hóa Xanh trên 11 huyện, thị, thành phố của Bình Phước đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông và an sinh xã hội ngày càng đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Qua đó, có thể khẳng định chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh là rất có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua.Play Video

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh trao đổi về việc đẩy mạnh kết nối phát triển giữa Bình Phước với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ

* Bà đánh giá thế nào về tính liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng đối với sự phát triển? Thời gian qua, các tỉnh, thành trong vùng đã liên kết phát triển như thế nào, thưa bà?

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay, hợp tác toàn diện về kinh tế – xã hội giữa các địa phương là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, nhằm phát huy lợi thế của mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập.

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã ký kết chương trình hợp tác trên các lĩnh vực như: đầu tư bất động sản, các khu đô thị vệ tinh, công nghiệp xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa – du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội. Thông qua đó, kinh tế – xã hội của các tỉnh có nhiều bước tiến mới, ngày càng phát huy tiềm năng, thế mạnh, đóng góp cho sự phát triển của mỗi địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc hợp tác còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế hợp tác giữa các địa phương chủ yếu là hỗ trợ một chiều của TP. Hồ Chí Minh cho các tỉnh trong vùng, các kết quả hợp tác kinh tế – xã hội chưa ngang tầm với tiềm năng, thế mạnh địa phương, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế và đầu tư xã hội hóa. Chương trình hợp tác còn dàn trải trên nhiều ngành, lĩnh vực, chưa xác định lĩnh vực nào là trọng tâm, là đột phá, dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên. Các cơ quan hai bên còn thiếu quyết liệt trong liên hệ, phối hợp triển khai chương trình, dẫn đến kết quả hợp tác chưa cao, chưa có bước đột phá lớn.

202303170729 tao dot pha phat trien vung dong nam bo 12822 1

Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký gần 20 ngàn tỷ đồng. Trong ảnh: Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú ở gần cửa ngõ dẫn vào tỉnh Bình Phước – Ảnh: Phú Quý

* Thưa bà, ở vị trí chuyển tiếp có tính liên vùng, Bình Phước đã, đang và sẽ kết nối phát triển với các tỉnh, thành trong vùng ra sao?

Để phát huy hiệu quả các lợi thế chiến lược, nhất là đất đai và vị trí địa lý, trong xu hướng dịch chuyển và lan tỏa của vùng; giải quyết những nút thắt chiến lược để đưa tỉnh Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước sẽ tiếp tục kết nối phát triển với các tỉnh, thành trong vùng thông qua những định hướng quan trọng sau đây:

Một là, tập trung cao độ để hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 4-2023. Song song với quy hoạch, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch có tính định hướng quan trọng trong các ngành, lĩnh vực: Từ kết cấu hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp đến khoa học – công nghệ, đô thị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực đầu tư, văn hóa – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hai là, tăng cường thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng, khắc phục những bất lợi do vị trí xa trung tâm, đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh và của vùng. Những năm qua, kết nối giao thông liên vùng có cải thiện nhưng Bình Phước vẫn cách sân bay và cảng biển khoảng 3 giờ; chưa có kết nối cao tốc. Các nhà đầu tư quốc tế đều chia sẻ rằng, chỉ cần rút ngắn được khoảng 40% thời gian di chuyển nêu trên, thì Bình Phước sẽ là điểm đến rất hấp dẫn. Tỉnh đang nỗ lực để khắc phục sự bất lợi về vị trí địa lý thông qua các dự án kết nối vùng, trong đó trọng tâm là cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); đường Đồng Phú – Bình Dương…

Ba là, khắc phục điểm yếu về hạ tầng xã hội, để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, du lịch. Là tỉnh đi sau, Bình Phước hiện rất thiếu cơ sở hạ tầng xã hội chất lượng cao, chưa có khách sạn 4 sao, 5 sao, trung tâm thương mại cao cấp, trường học quốc tế, bệnh viện chất lượng cao… Đồng thời, tỉnh đang tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tỉnh chưa có trường đại học và trường dạy nghề đủ năng lực. Tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp để giải bài toán nhân lực cả về số lượng và chất lượng, trong đó tập trung vào các giải pháp như: Phát triển cơ sở đào tạo đại học; tăng cường năng lực trường nghề của tỉnh; phát triển nhà ở xã hội cho công nhân; phân luồng học sinh cuối cấp trung học cơ sở để tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu lao động mạnh mẽ sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Nhâm – Minh Luận (thực hiện)

Nguồn: baobinhphuoc

Liên hệ

Thiên An Holdings

(028) 36.36.2888

thienanholdings.vn
info@thienanholdings.vn
Số 39 đường số 10, khu đô thị Sala, P. An Lợi đông, HCM

Phòng ban

Kinh doanh

09 22222 726
info@tah.vn

Tuyển dụng

tuyendung@thienanholdings.vn

Thời gian làm việc

Thứ Hai – Thứ Sáu
Sáng: 08h00 – 12h00
Chiều: 13h30 – 17h30

Thứ Bảy
Sáng: 08h00 – 12h00