Những định hướng lớn của Thủ tướng Chính phủ cho sự phát triển tỉnh Bình Phước

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 31-3-2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đặt ra định hướng lớn cho sự phát triển tỉnh Bình Phước trong giai đoạn tới, đó là: xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội trên tinh thần tự lực tự cường; xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, kinh tế xanh trong giai đoạn tới.

Phát huy cao độ các lợi thế

Thông báo nêu rõ: Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, tỉnh Bình Phước cần xác định những thách thức, khó khăn còn nhiều ở phía truớc, từ đó để nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và nhất là các cấp chính quyền phải nỗ lực hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, đoàn kết, đồng lòng hơn nữa để quyết tâm xây dựng Bình Phước ngày càng phát triển xứng đáng với vị trí quan trọng của vùng, với tiềm năng sẵn có của thiên nhiên và đặc biệt là tiềm năng về con người cần cù, thân thiện và truyền thống đoàn kết của người dân với lịch sử oai hùng được thử thách qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Do đó, tỉnh cần xác định rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của vùng, không chỉ với vùng Đông Nam Bộ mà còn kết nối với Tây Nguyên, cửa ngõ cho các địa phương Tây Nguyên với vùng Đồng Nam Bộ, với TP. Hồ Chí Minh – cực tăng trưởng lớn của đất nước. Phấn đấu sớm đưa Bình Phước trở thành một động lực phát triển quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

tỉnh Bình Phước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bình Phước phát huy tinh thần tự lực tự cường và các lợi thế phát triển – Ảnh: Trương Hiện

Cụ thể hóa chỉ đạo 3 định hướng lớn: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay khối óc của mình; có giải pháp, kế hoạch thu hút, tận dụng các nguồn lực cho phát triển và tập trung nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp… đảm bảo hiện đại, bền vững, hiệu quả, phát triển xanh; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, tập trung hoàn thành dứt điểm, không dàn trải, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với trọng tâm là các đột phá chiến lược về: hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực, đất đai, với quan điểm phát triển bền vững, đồng bộ, hiệu quả.

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về ban hành quy định tạm thời “Thích úng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Trước mắt, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin cho người dân theo yêu cầu, mục tiêu đã đề ra.

Phát huy cao độ các lợi thế của tỉnh về nguồn lực đất đai, vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại – dịch vụ trên nền tảng khoa học – công nghệ. Phát huy thế mạnh của tỉnh để phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khẩn trương rà soát các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo phân cấp, gửi bộ, ngành hướng dẫn thực hiện, đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật theo chỉ đạo tại Thông báo số 20/TB-VPCP ngày 26-1-2021 và Công văn số 1643/VPCP-QHĐP ngày 15-3-2021 của Văn phòng Chính phủ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Chú trọng công tác quy hoạch. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài; tìm ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời hóa giải các khó khăn, thách thức của địa phương; cần quy hoạch và sử dụng đất đai hiệu quả, đồng thời phải bảo vệ môi trường.

Thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; không ngừng cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị hành chính công, cải cách hành chính cấp tỉnh; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Tập trung thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chuyển đổi số, xã hội số, công dân số, kinh tế số.

tỉnh Bình Phước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bình Phước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu – Ảnh: Trương Hiện

Ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ và đặc biệt là đường cao tốc. Cần tập trung ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề người lao động, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Quan tâm công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ nghèo không có khả năng lao động để thoát nghèo.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tố chức đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tăng cường đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với nước bạn bảo đảm an ninh trật tự biên giới, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội với tinh thần “mỗi người dân là một cột mốc”.

Sẽ xem xét thống nhất phương án xây dựng cầu Mã Đà

Với các kiến nghị của tỉnh, thông báo nêu rõ: Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 của tỉnh Bình Phước:

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, tổng hợp kiến nghị của các địa phương (trong đó có tỉnh Bình Phước) về bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý, tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

tỉnh Bình Phước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác khảo sát tại thực địa kiến nghị xây dựng cầu Mã Đà của tỉnh Bình Phước – Ảnh: Trần Phương

Về đề nghị nâng cấp mở rộng tuyến ĐT753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: UBND các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai chuẩn bị đầy đủ hồ sơ; giao Bộ Giao thông vận tải (Bộ cử một thứ trưởng trực tiếp thực hiện) khẩn trương chủ trì, làm việc với các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến ĐT753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2022.

Về đề nghị sớm chấp thuận chủ trương hoàn tất bước chuẩn bị đầu tư, khởi công Dự án đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) trong giai đoạn 2021-2025: Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất và đề xuất phương án đầu tư để sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Đối với đề nghị lập và bổ sung 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 200 ha vào Quy hoạch tổng thể các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao định hướng đến năm 2030, Thủ tướng đồng ý về chủ trương kiến nghị của tỉnh, yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, trong đó có tích hợp nội dung đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 3/2022. Đồng thời khẩn trương xây dựng hồ sơ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Phước, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt theo đúng quy định của Luật Công nghệ cao và pháp luật khác liên quan.

Về đề nghị tiếp tục đưa vào Quy hoạch Điện VIII khoảng 4.000MWp điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Thủ tướng yêu cầu: Quy hoạch Điện VIII phải bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả cả hệ thống, cân đối vùng miền… Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị với các địa phương trước khi phê duyệt Quy hoạch Điện VIII. Các bộ, ngành sẽ xem xét cho ý kiến giải quyết kiến nghị của các địa phương, trong đó có kiến nghị của tỉnh Bình Phước về vấn đề này.

Nguồn: BPO

Liên hệ

Thiên An Holdings

(028) 36.36.2888

thienanholdings.vn
info@thienanholdings.vn
Số 39 đường số 10, khu đô thị Sala, P. An Lợi đông, HCM

Phòng ban

Kinh doanh

09 22222 726
info@thienanholdings.vn

Tuyển dụng

tuyendung@thienanholdings.vn

Thời gian làm việc

Thứ Hai – Thứ Sáu
Sáng: 08h00 – 12h00
Chiều: 13h30 – 17h30

Thứ Bảy
Sáng: 08h00 – 12h00